Nên trồng giống cà phê loại nào để đạt năng suất cao nhất ?
Việc lựa chọn giống cà phê phù hợp không chỉ quyết định năng suất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hạt cà phê. Vậy bà con nông dân nên trồng giống cà phê nào để vụ mùa được bội thu ?
Cùng Simexcodl khám phá về các giống cà phê phổ biến và ưu nhược điểm của từng loại để bà con dễ dàng lựa chọn giống cà phê phù hợp với điều kiện canh tác của mình !
Giống cà phê TR4 ( tên cũ 138 )
Với nguồn gốc từ xã Hòa Thuận, tỉnh Đắk Lắk, giống cà phê TR4 dần khẳng định vị thế của mình là một trong những giống cà phê vối ( Robusta ) được trồng nhiều nhất ở nước ta.
Đây là loại cà phê được ra đời bằng phương pháp nhân giống vô tính nên không chỉ có ưu điểm của giống gốc mà còn có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết của nhiều vùng trên khắp cả nước.
* Đặc điểm của giống cây cà phê TR4 :
- Sinh trưởng: Khả năng sinh trưởng và phân nhánh nhanh.
- Vóc dáng: Cây cà phê TR4 có chiều cao trung bình khoảng 2 – 3m và có cành lá hơi rủ xuống mặt đất. Đây là điểm khác biệt của giống TR4 so với các giống cà phê khác trên thị trường hiện nay.
- Lá: Hình dạng giống lưỡi mác với độ dài trung bình khoảng 10 – 15 cm. Lá cây cà phê có màu xanh nhạt khi non và dần chuyển sang màu xanh vàng khi trưởng thành.
- Quả: Khi chín có màu đỏ cam, tròn, hơi thuôn về phía cuốn và có dạng hình trứng ngược.Hạt cà phê loại 1 chiếm tỷ lệ trên 70% và hàm lượng cafein đạt 1.68 – 1.7 trên 100g chất khô.
- Chùm quả: Sai quả với trung bình 1kg cà phê sẽ có từ 777 đến 800 quả.
- Tỉ lệ tươi/nhân là 4 – 4.2 /1.
- Năng suất bình quân hàng năm đạt từ 5 – 7 tấn trên 1 hecta.
- Thời gian thu hoạch thích hợp từ tháng 11 – 12.
- Khoảng cách thích hợp để trồng cây cà phê TR4 là 3m x 3m.
* Ưu và nhược điểm của giống cà phê TR4 :
- Ưu điểm: Cây cà phê này cho ra nhiều cành, quả ít rụng nên rất thuận tiện cho việc thu hoạch và bảo quản. Đặc biệt, giống Tr4 có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu nên rất phù hợp cho việc trồng tái canh hoặc xen canh.
- Nhược điểm: Do cây phân cành tán nhiều nên bà con nông dân cần chăm sóc và cắt tỉa thường xuyên để cây có thể phát triển tốt và đạt năng suất cao.
Giống cà phê TR9 ( tên 414 )
Cũng tương tự như TR4, giống cà phê TR9 thuộc chủng cà phê vối Robusta và có nguồn gốc từ Đắk Lắk. Với tên gọi khác là giống 414, cây cà phê giống TR9 đã được bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Việt Nam công nhận vào ngày 4/5/2011.
Do đó, nếu bà con không biết nên trồng giống cà phê nào thì giống cà phê vối TR9 sẽ là một trong những lựa chọn mà bà con nông dân có thể tin tưởng.
* Đặc điểm sinh trưởng của giống cà phê TR9 :
- Sinh trưởng: Khả năng sinh trưởng nhanh và phân tách cành nhiều theo chiều ngang.
- Vóc dáng: Tán cây rộng và cành lá hơi rũ với chiều cao trung bình.
- Lá: Hình lưỡi mác và có màu xanh tươi khi trưởng thành.
- Quả: Quả cà phê TR9 có kích thước trung bình đến lớn. Khi chín, quả có hình bầu dục dài, màu đỏ đậm huyết dụ, cuống giòn và dễ thu hoạch với hạt loại 1 đạt giá trị cao trên 90 %. Hạt cà phê có kích thước lớn hơn so với các giống cà phê khác.
- Chùm quả: Thông thường cứ 511 quả sẽ có 1kg cà phê TR9.
- Năng suất bình quân hàng năm đạt khoảng 4 – 7 tấn trên 1 hecta.
- Khoảng cách trồng thích hợp từ 3m – 3.5m / 1 cây.
- Thời gian thu hoạch giống cà phê này thường vào giữa tháng 12.
* Ưu và nhược điểm của giống cà phê vối TR9 :
- Ưu điểm: Giống cà phê này phù hợp với nhiều điều kiện môi trường khác nhau và có thể kháng được nhiều loại bệnh như rỉ sắt, nấm hồng,…
- Nhược điểm: Quả và hạt to nên cần tập trung để tiện cho việc thu hoạch. Kiểu hình và kiểu sinh trưởng của giống cà phê này không thực sự phù hợp để trồng với mật độ cao và canh tác theo kiểu mới.
Giống cây xanh lùn ( TS5 )
Giống cà phê xanh lùn còn được gọi là cà phê TS5 có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng. Đây là giống cà phê vô tính thứ 5 của cơ sở Trường Sơn do ông Phạm Quang Sơn và Phạm Xuân Trường nghiên cứu và phát triển nên hưởng được các ưu điểm của giống cà phê cao sản nên có giá trị cao về hình thức lẫn chất lượng.
* Đặc điểm của giống cà phê xanh lùn ( giống TS5 ) :
- Sinh trưởng : nhanh, ổn định và chịu hạn tốt.
- Vóc dáng : Chiều cao trung bình, tán vừa phải, phân cành tốt, cành hơi rũ nên thích hợp trồng theo kiểu hãm ngọn và thả đọt.
- Lá : Màu xanh đậm, nhiều gân lá hiện rõ và gợn sóng ở phần đầu lá.
- Quả : Giống cà phê xanh lùn cho ra quả nhiều, kích thước quả to và vỏ mỏng. Nhoài ra, quả có núm bò nhỏ, tròn trịa và chuyển sang màu đỏ đậm khi chín. Hạt có kích thước tương đối lớn với tỉ lệ hạt loại 1 đạt giá trị gần 100%.
- Tỉ lệ hạt tươi/nhân : 3.8/1
- Năm suất bình quân hàng năm khoảng 6 – 8 tấn trên 1 hecta.
- Khoảng cách trồng cà phê xanh lùn thích hợp là 2.8 x 2.8m / 1 cây.
- Thời gian thu hoạch vào giữa tháng 12 và tháng 1.
* Ưu và nhược điểm của giống cà phê xanh lùn ( TS5 ) :
- Ưu điểm : Cây có thể được trồng trồng ở những vùng đất dày, tơi xốp, giàu dinh dưỡng và dễ thoát nước với mật độ dày đặc.
- Nhược điểm : Thời gian thu hoạch tương đối muộn và cần chăm sóc cắt tỉa thường xuyên để đảm bảo năng suất ổn định. Đồng thời , giá thành của giống này khác cao so với các giống cây khác.
Giống cây cà phê TRS1
Giống cà phê TRS1 còn được biết với tên gọi khác là cà phê thực sinh viện Eakmat do Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo và phát triển. Nếu bà con nông dân đang tìm một giống cà phê dễ trồng, ít sâu bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao thì TRS1 chắc chắn sẽ là một lựa chọn hoàn hảo.
* Đặc điểm sinh trưởng của giống cà phê TRS1 :
- Sinh trưởng: Tương đối tốt
- Vóc dáng : Chiều cao trung bình và phân cành nhiều theo chiều ngang thành hình rẻ quạt .
- Lá : Hình lưỡi mác với kích thước tương đối và có màu xanh đậm khi trưởng thành.
- Quả : Hình Oval và chuyển sang màu đỏ đậm hoặc huyết dụ khi chín. Hạt có kích thước trung bình đến lớn và hạt loại 1 đạt giá trị khoảng 80 – 90 %.
- Năng suất của cây cà phê TRS1 đạt trung bình 4 – 6 tấn trên 1 hecta.
- Khoảng cách thích hợp để trồng giống TRS1 là 3 – 3.3m / cây.
- Thời gian thu hoạch vào tháng 11 – 12 hằng năm.
* Ưu và nhược điểm của giống cà phê TRS1 :
- Ưu điểm : Giống TRS1 có khả năng sinh trưởng nhanh và kháng được nhiều loại bệnh nên rất phù hợp cho những bà con chưa có nhiều kinh nghiệm và không biết nên trồng giống cà phê nào.
- Nhược điểm : Do cây phân nhánh nhiều nên không phù hợp với những kiểu canh tác thả đọt hay đa thân.
Giống cây Thiện Trường
Giống cà phê Thiện Trường được ông Liêu Công Bình thuộc xã Lộc Quảng, Bảo Lâm, Lâm Đồng nghiên cứu và phát triển. Đây cũng sẽ là lựa chọn tốt cho bà con nông dân khi không biết nên trồng giống cà phê nào.
* Đặc điểm sinh trưởng của giống cà phê Thiện Trường :
- Lá : To, màu xanh đậm, bề mặt bóng như có dầu và đọt lá non có màu hơi đỏ. Cành cây to, khỏe và cứng cáp.
- Quả : Kích thước lớn, lớp vỏ và đốt tương đối dày, ít bị lép nhưng chất lượng nhân vẫn được đảm bảo.
- Chùm quả : Đốt ngắn, trung bình khoảng 60 trái trên 1 chùm nên rất dễ để bà con nông dân hái.
- Tỉ lệ tươi/nhân : 3.8 đến 4.3.
- Năng suất : giai đoạn đầu tái canh hoặc cải tạo đạt 8 – 9 tấn trên 1 hecta và những năm về sau đạt 6 – 7 tấn trên 1 hecta
* Ưu và nhược điểm của giống cà phê Thiện Trường :
- Ưu điểm : Có thể trồng ở những nơi có điều kiện đất đai không tốt như đất cằn, đất bauxit bạc màu hay đất sỏi đá pha cát
- Nhược điểm : Hệ thống cành cấp phát triển kém nên bà con cần chăm sóc và cắt tỉa để tránh tình trạng khuếch tán. Để khắc phục tình trạng này, bà con có thể áp dụng kỹ thuật thả đọt thay vì hãm ngọn. Ngoài ra, khi gặp mưa thường xuyên, quả cà phê rất dễ gãy rụng nên bà con nông dân cần lưu ý thu hoạch sớm.
Giống cây lá xoài
Qua quá trình nghiên cứu và chọn lọc kỹ lưỡng, hội nông dân xã Hữu Thiên, Bảo Lộc, Lâm Đồng đã cho ra đời giống cà phê lá xoài chất lượng cao. Giống cây này đã được kiểm định và cấp giấy chứng nhận bởi Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn tỉnh Lâm Đồng,
* Đặc điểm sinh trưởng của giống cây cà phê lá xoài :
- Phù hợp với điều kiện đất đai của Tây Nguyên.
- Sinh trưởng : Sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, có khả năng chịu hạn và chống các loại bệnh như gỉ sét, nấm hồng,…
- Lá : thuôn dài, nhọn hoắt và mang dáng vẻ đặc trưng của lá xoài.
- Quả : to và có màu xanh đậm căng mọng khi chín
- Chùm quả : Mỗi chùm có khoảng 50 trái to với đốt quả ngắn
- Năng suất bình quân trung bình hàng năm : đạt 6 – 8 tấn trên 1 hecta.
- Tỉ lệ tươi/nhân : 4/1.
- Thời điểm thu hoạch thích hợp vào tháng 11.
* Ưu và nhược điểm của giống cây cà phê lá xoài
- Ưu điểm : Cây sinh trưởng mạnh mẽ, to khỏe, cành lá sum sê và nhiều cành thứ cấp.
- Nhược điểm : Cây cà phê lá xoài có tán lá rộng và nhiều cành nên dễ bị gãy cành khi gặp gió mạnh. Do đó, giống cà phê lá xoài chỉ được trồng ở những vùng có khí hậu ổn định và không có gió mạnh như cao nguyên Lâm Đồng. Ngoài ra, cây cà phê xoài chỉ có thể nhân giống bằng phương pháp ghép nên khó nhân giống với số lượng lớn được.
Giống cây cà phê dây Thuận An
Cây cà phê dây Thuận An là giống cà phê có nguồn gốc xuất xứ từ huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông. Mặc dù ra đời sau nhưng giống cà phê này có chất lượng vượt trội và năng suất cao không hề thua kém các giống truyền thống. Do đó, nếu bà con đang tìm giống mới và không biết nên trồng giống cà phê nào thì có thể thử ngay giống cà phê dây Thuận An.
* Đặc điểm của giống cây cà phê dây Thuận An :
- Sinh trưởng : Sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt và ít sâu bệnh
- Vóc dáng : Cây cà phê lá xoài có chiều cao trung bình, tán cây vừa phải, cành nhánh hơi rũ.
- Lá : Kích thước trung bình, hình lưỡi mác và gợn sóng ở mép lá. Khi trưởng thành lá của cây cà phê dây có màu xanh đậm và bóng.
- Quả : Hình dáng tròn đều, vỏ mỏng, màu xanh đậm và sọc dưa ( ít và nhạt ) với tỷ lệ hạt loại 1 đạt gần 100 %.
- Chùm quả : nhiều quả và có đốt ngắn.
- Tỷ lệ tươi/ nhân : 4.1/1
- Năng suất bình quân hàng năm : đạt 6 – 8 tấn trên 1 hecta
- Khoảng cách trồng 2.2 – 3m / 1 cây.
- Thời gian thu hoạch vào khoảng tháng 1 – 2 dương lịch hằng năm.
* Ưu và nhược điểm của giống cây cà phê lá xoài :
- Ưu điểm : Giống cà phê này có tốc độ sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, kháng được một số loại sâu bệnh và không rụng khi chín nên rất dễ thu hoạch.
- Nhược điểm : khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết kém.
Nên trồng giống cây nào để đạt hiệu quả cao nhất ?
Để quyết định nên trồng giống cà phê nào thì bà con nông dân cần phải xem xét nhiều yếu tố như khí hậu, đất đai ,diện tích và điều kiện thổ nhưỡng của khu trồng để lựa chọn giống cà phê phù hợp. Ví dụ như :
- Giống cây cà phê TR4, TR9 sẽ phù hợp ở những vùng có khí hậu nóng ẩm ở Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng,…
- Giống cà phê Thiên Trường sẽ trồng ở những nơi không có quá nhiều mưa để tránh rụng quả.
Do đó, để trả lời cho câu hỏi nên trồng giống cà phê nào thì bà con cần cân nhắc những ưu và nhược điểm của từng loại mà Simexco đã giới thiệu ở trên và xem xét có phù hợp với khu đất trồng của mình hay không. Bên cạnh đó, bà con cần lưu ý sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cải tạo, chăm sóc và cắt tỉa thường xuyên để cây cho ra những hạt cà phê chất lượng và năng suất cao.