5 cách trồng cà phê kiểu mới cho ra sản lượng tốt nhất
Với nhu cầu thị trường ngày càng cao và cạnh tranh như hiện nay, bà con nông dân cần không ngừng học hỏi và đổi mới những kỹ thuật trồng cà phê để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Những cách trồng cà phê kiểu mới sẽ giúp bà con tiết kiệm chi phí và công sức bỏ ra.
Cùng Simexcodl khám phá những cách trồng cà phê theo kiểu mới để đạt được hiệu quả kinh tế cao ngay trong bài viết dưới đây.
Trồng cà phê kiểu mới với phương pháp ghép chồi
Ghép chồi là một kỹ thuật trồng cà phê kiểu mới theo phương pháp nhân bản vô tính để cải tạo những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp nhằm trẻ hóa vườn cà phê.
Mục đích của việc trồng cà phê theo phương pháp ghép chồi để tạo nên những cây có chất lượng cao và chống các loại sâu bệnh hại tốt hơn hoặc để cải tạo những giống cây đã trưởng thành.
Ưu điểm của phương pháp ghép chồi là có thể chọn lựa những giống cà phê có năng suất cao, ít bệnh tật và giảm thời gian cây đến giai đoạn trưởng thành do chỉ cần ghép chồi mới trên thân cây cà phê cũ. Tuy nhiên, phương pháp trồng cà phê kiểu mới này có nhược điểm là cây giống để bà con ghép có giá thành cao và yêu cầu người dân phải chăm sóc thường xuyên.
Để thực hiện phương pháp ghép chồi cho cây cà phê, bà con nông dân sẽ thực hiện theo các bước sau :
- Cưa bỏ những cây già yếu, năng suất thấp để kích thích cây mẹ ra những chồi mới. Sau khoảng 2 tháng, những chồi này sẽ phát triển đủ lớn để tiến hành ghép.
- Chọn những chồi non trên những cây cà phê khỏe mạnh,năng suất cao với chiều dài khoảng 40-70cm và cắt bỏ phần ngọn và tỉa bớt lá.
- Trên những cây cà phê đã cưa ngang,bà con chọn 3 – 4 gốc chồi khỏe mạnh và cắt tỉa bỏ những chồi mọc không đúng vị trí.
- Tiếp theo, bà con nên chọn những chồi có số mắt tương ứng với số gốc chồi của cây cà phê. Ví dụ cây cà phê có 4 gốc chồi thì nên chọn chồi ghép có 4 mắt.
- Cắt bỏ phần mắt dưới của chồi ghép và giữ lại đoạn thân dài khoảng 4cm. Bên trên gốc chồi bà con cũng cắt một khoảng tương tự. Đối với phần gốc bà con chẻ đôi phần thân còn phần chòi ghép thì tiến hành vắt chéo.
- Ghép mắt ghép vào vết cắt trên gốc ghép sao cho phần lõi của cả hai phần khớp với nhau.
- Dùng đũa đã chuẩn bị để buộc chặt phần ghép và cố định mắt ghép vào gốc ghép.
- Sau cùng, bà con có thể dùng lá cà phê tươi hoặc túi nilon bọc kín vết ghép để tránh mưa và giữ ẩm cho mối ghép.
Trồng cà phê kiểu mới với phương pháp thả đọt ( ngọn )
Trồng cà phê thả đọt (hay còn gọi là thả ngọn) là phương pháp trồng trồng cà phê kiểu mới ở các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Brazil nhưng chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Đặc biệt, trồng cà phê theo phương pháp thả đọt phù hợp với việc sử dụng máy móc từ chăm sóc đến thu hoạch nên giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.
Ưu điểm của phương pháp thả đọt là năng suất tăng gấp 2 lần do số lượng thân trên một gốc cây cà phê tăng lên gấp đôi. Bên cạnh đó, phương pháp này sẽ giúp tán cây rộng và tỷ lệ độ che phủ và độ bóng tốt nên bà con không tốn công dọn cỏ và cắt cành sau quá trình thu hoạch.
Cách trồng cà phê thả đọt vô cùng đơn giản, bà con có thể thực hiện theo các bước như sau :
- Chuẩn bị cây giống phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của vùng trồng.
- Tiến hành cày bừa đất khoảng 2-3 lần với độ sâu 30 – 40cm theo cả chiều ngang và chiều dọc của lô để đất tơi xốp. Sau đó, bà con phơi đất trong khoảng 1,5 – 2 tháng và bừa đất ở độ sâu 20-30cm.
- Trước khi cày bừa lần đầu bà con lưu ý bón vôi bột đều trên mặt đất với lượng khoảng 500 – 1.500kg/ha để cải thiện độ pH và tiêu diệt mầm bệnh.
- Thời điểm trồng lý tưởng để thả đọt là bắt đầu mùa mưa và kết thúc trước mùa khô từ 1 – 2 tháng. Bà con nên xem xét vào điều kiện thực tế của vườn mà trồng với mật độ phù hợp. Khoảng cách trồng cà phê thả đọt thông thường vào khoảng 5000 cây trên 1 hecta.
- Bà con cần phải tưới nước thường xuyên cho cây, đặc biệt vào mùa khô để cây hạn chế mất nước. Thời điểm thích hợp để tưới nước là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối muộn vì để tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
- Một lưu ý cho bà con nông dân là phải cắt tỉa cây thường xuyên để tán cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và thúc đẩy sự phát triển của cành mới.
- Tùy theo giai đoạn phát triển và độ phì nhiêu của đất mà bà con có thể sử dụng phân bón hữu cơ hoặc hóa học với liều lượng phù hợp.
Trồng cà phê kiểu mới với phương pháp xen canh
Việc trồng cà phê độc canh trong nhiều năm đã khiến đất đai bạc màu, nguồn nước cạn kiệt, gây ra xói mòn nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, người dân có thể chuyển sang trồng cà phê kiểu mới theo mô hình trồng xen canh với các loại cây như hồ tiêu, sầu riêng, bơ… nhằm cải thiện tình trạng đất và nâng cao năng suất trở lại.
Simexcodl sẽ ví dụ cho bà con nông dân dễ hiểu hơn về mô hình trồng cà phê kiểu mới theo phương pháp xen canh như sau : Trên vườn cà phê rộng khoảng 1.8 hecta, bà con trồng 1500 cây cà phê, 100 cây sầu riêng và 200 trụ tiêu theo tỷ lệ cứ 3 hàng cà phê sẽ có 1 hàng sầu riêng và 2 hàng cà phê sẽ có 1 hàng tiêu. Đối với cây tiêu, bà con nông dân có thể cho leo bám trên những cây muồng đen.
Ưu điểm của mô hình trồng cà phê kiểu mới theo phương pháp xen canh như sau :
- Đa dạng hóa giống cây trồng giúp bà con tăng thêm thu nhập và tránh rủi ro khi giá cà phê giảm.
- Các cây xen canh như sầu riêng, trụ tiêu có tác dụng che bóng và chắn gió giúp điều hòa khí hậu trong vườn , cải thiện độ phì nhiêu và tình trạng xói mòn của đất đồng thời giảm sâu bệnh trên cây cà phê.
- Mô hình trồng cà phê theo phương pháp xen canh sẽ giúp bà con giảm thiểu các chi phí trong quá trình chăm sóc, tưới nước và bón phân.
- Ngoài ra, trồng xen canh còn giúp cây cà phê cho năng suất ổn định.
Tuy nhiên, việc chăm sóc đồng thời cà phê và các cây xen canh như sầu riêng và hồ tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn do đặc tính sinh trưởng khác nhau của từng loại cây. Ngoài ra, bà con cần lưu ý là cây cà phê và hồ tiêu cùng là ký chủ của nhiều loại sâu bệnh như rệp sáp, tuyến trùng,…. nên việc phòng trừ sâu bệnh trở nên phức tạp hơn.
Mô hình trồng xen canh giúp bà con nông dân tăng đáng kể thu nhập
Do đó, để trồng cà phê kiểu mới theo phương pháp xen canh đạt hiệu quả cao thì bà con nông dân cần tính toán mật độ trồng hợp lý để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng của hạt cà phê.
Bên cạnh đó, bà con cần phải chăm sóc và cắt tỉa cành thường xuyên để đảm bảo độ thông thoáng cho vườn cây và giảm thiểu nguy cơ phát sinh sâu bệnh.
Trồng cà phê kiểu mới với phương pháp giữ thảm cỏ dại
Từ lâu, cỏ dại luôn được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây cà phê. Chúng tranh giành dinh dưỡng, ánh sáng và nước với cây cà phê khiến cây sinh trưởng và phát triển kém. Để giải quyết vấn đề này, nhiều người nông dân đã sử dụng thuốc diệt cỏ.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc hóa học lại gây ra nhiều hệ lụy như làm đất trở nên cứng và dễ bị bạc màu đồng thời còn gây hại cho môi trường.
Nhưng với cách trồng cà phê giữ thảm cỏ dại kiểu mới hay giữ cho lớp cỏ dại phủ kín mặt đất sẽ mang lại nhiều lợi ích bất ngờ. Cụ thể, bà con nông dân có thể để cỏ dại mọc tự nhiên đến độ cao khoảng 50 – 60cm và sau đó cắt tỉa để lại khoảng 10cm làm thảm cỏ sinh học. Bà con có thể nuôi thả các gia súc, gia cầm như gà, vịt, cừu, dê,.. để kiểm soát độ cao của cỏ.
Những phần cỏ bị cắt đi thì bà con có thể phun chế phẩm sinh học để chúng thành phân bón hữu cơ cho đất. Điều này không chỉ giúp chống xói mòn, giữ ẩm và bổ sung độ ẩm cho đất mà còn giảm thiểu việc sử dụng các phân bón hóa học để cây cà phê sinh trưởng khỏe mạnh, nâng cao năng suất và chất lượng quả.
Trồng cà phê kiểu mới với phương pháp hữu cơ phân trùn quế
Cách trồng cà phê kiểu mới bằng phân trùn quế là một kỹ thuật sản xuất theo hướng sử dụng phân hữu cơ cho nông nghiệp. Phương pháp hữu cơ phân trùn quế sẽ không sử dụng các sản phẩm hóa học mà thay thế bằng các loại phân trùn quế hữu cơ và và các phân vi sinh khác. Sau đây là hàm lượng phân hữu cơ trùn quế cho từng giai đoạn phát triển của cây :
- Đối với giai đoạn mới trồng : bà con trộn 3 – 5 kg/cây và trộn đều với đất và bón xuống hố trước thời gian trồng khoảng 1 – 2 tháng
- Đối với giai đoạn kiến thiết ( năm 1 – năm 3 ) : bà con chia lượng phân làm 4 đợt và bón đều trong năm. Dựa vào độ tuổi của cây mà bà con có thể tăng dần lượng phân bón và cân nhắc cho phù hợp.
- Đối với giai đoạn kinh doanh : bà con cũng chia làm 4 lần bón là vào đầu mùa khô, đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa.
Như vậy, mỗi phương pháp trồng cà phê kiểu mới đều có những ưu và nhược điểm khác nhau nhưng chúng đều mang lại năng suất cao và ổn định cho bà con nông dân.
Hy vọng những thông tin về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê kiểu mới này sẽ giúp bà con lựa chọn phương pháp phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và nhu cầu sản xuất của mình.